Xã hội kiểu ‘Squid Game’ và ‘Parasite’ ở Hàn Quốc: Người trẻ đổ lỗi cho chính phủ, tự coi mình là ‘thế hệ bỏ cuộc’

“Thực tế rất tàn khốc”

Trong nhiều thập kỷ, với những cửa hàng cũ kỹ và nhiều món ăn đường phố hấp dẫn, Chợ Trung tâm Seoul là nơi có nhiều người đã về hưu tìm kiếm quán ăn, quần áo và đồ gia dụng giá rẻ. Còn hiện tại, họ đang phải cạnh tranh với nhóm người trẻ sành điệu mở các tiệm café, nhà hàng đắt tiền.

Những đầu bếp mới đến và “doanh nhân” trẻ mới lập nghiệp – một số từ bỏ ý định làm việc ở các tập đoàn lớn, đang đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao và biến những khu chợ này trở thành địa điểm cạnh tranh gay gắt.

“Phe” cũ bất bình với “phe” mới, lập luận rằng mình thành công phần lớn nhờ vào sự chăm chỉ và nhiều năm tiết kiệm, theo đó đã thúc đẩy nền kinh tế sau Chiến tranh Triều Tiên. Trong khi đó, nhóm người trẻ lại cho rằng những thay đổi này là do bộ máy lãnh đạo, khiến họ không có cơ hội để làm giàu và đang sống trong một xã hội như những bộ phim nổi tiếng “Squid Game” hay “Parasite”.

Lee Young-jae (78 tuổi) đã vận hành một cửa hàng bán thiết bị nhà bếp cũ từ đầu những năm 1980. Ông cho biết: “Tôi ngày càng lo lắng về tương lai của Hàn Quốc. Họ phàn nàn rằng xã hội đầy bất công nhưng hãy quen với điều đó. Người trẻ chỉ đổ lỗi cho hệ thống mà không trân trọng những gì họ đang có.”

Cách đó chưa đến 1km, nhân viên ngành truyền thông 33 tuổi – Choe Eun-byeol, chia sẻ quan điểm hoàn toàn khác với ông Lee. Cô nói: “Điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Ở thời của ông ấy, người ta có thể mua được nhà, có được công việc ở công ty danh giá nếu học tập và làm việc chăm chỉ. Còn bây giờ, những điều đó chỉ là dĩ vãng.”

Xã hội kiểu Squid Game và Parasite ở Hàn Quốc: Người trẻ đổ lỗi cho chính phủ, tự coi mình là thế hệ bỏ cuộc  - Ảnh 1.

You may also like...