Cơ hội M&A BĐS trong mùa dịch: Phân khúc nào nào hút tiền nhà đầu tư?

Theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD

Mặc dù vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 nhưng con số này đang thấp hơn nhiều so với mức thu hút FDI đạt được của lĩnh vực kinh doanh, bất động sản vào cùng kỳ năm 2020 với 2,87 tỷ USD.

Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do tác động của dịch bệnh khiến việc dịch chuyển khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc khảo sát thực địa cũng như đưa ra quyết định của nhà đầu tư.

Tình hình M&A trong đại dịch Covid-19

Dù vậy, làn sóng M&A (mua bán, sáp nhập) dự án giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước có những diễn biến đáng chú ý trong đại dịch.

Những thương vụ M&A đáng chú ý trong quý II/2021 có thể kể đến là việc Công ty Cổ phần (CTCP) Phát triển Bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần CTCP Bất động Sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower, thương vụ Tập đoàn Ô tô Trường Hải mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam, thương vụ hợp tác giữa Becamex IDC và Central Retail Vietnam phát triển Trung tâm thương mại GO! tại Bình Dương.

Theo đánh giá của Savills, các hoạt động M&A trong hơn một năm vừa qua có xu hướng chậm lại. Lý do chủ yếu nhìn từ góc độ bên Bán là nửa cuối năm 2020 và nửa đầu 2021 giá bất động sản nhà ở của Việt Nam không hề giảm, cùng với chính sách tiền tệ được nới lỏng khiến nhiều chủ bất động sản kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm qua và thị trường sẽ hồi phục mạnh, do đó họ tiếp tục giữ lại các bất động sản hoặc định giá bán ở một mức rất cao.

Trong khi đó, đánh giá và kỳ vọng của bên Mua không lạc quan như bên Bán. Họ thận trọng hơn khi xuống tiền đầu tư tại thời điểm này với tâm lý chung là “chờ đợi rồi hành động”. Đồng thời vì nhiều lý do, tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án cũng bị chậm hơn so với dự kiến (trong một giao dịch bất động sản, tiến độ pháp lý là điều kiện tiên quyết để thực hiện mua bán).

Một lý do khác là nhiều chủ đầu tư mong muốn chuyển nhượng dự án, tuy nhiên lại không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc hai bên Mua và Bán chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện giao dịch.

Trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên quỹ đất tại các khu vực này ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến các mô hình tài chính không còn hiệu quả. Do đó nhu cầu và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Có hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là: Kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản dẫn dắt thị trường.

Cơ hội M&A BĐS trong mùa dịch: Phân khúc nào nào hút tiền nhà đầu tư? - Ảnh 1.

You may also like...